Liệu pháp PRP điều trị tổn thương cơ, xương, phần mềm do tai nạn và chơi thể thao
Bài viết bởi ThS. Nguyễn Đắc Tú, Trưởng nhóm Đánh giá Chất lượng Sản phẩm và ThS. Phạm Thị Thanh, Chuyên viên Đánh giá Chất lượng Sản phẩm – Trung tâm Công nghệ cao Vinmec
Huyết tương giàu tiểu cầu đã được ứng dụng điều trị trong nhiều lĩnh vực y học khác nhau và đã đem lại những tín hiệu rất khả quan. Từ những lợi ích đó, điều trị tổn thương cơ, xương, phần mềm do tai nạn và chơi thể thao bằng liệu pháp PRP ( huyết tương giàu tiểu cầu) ngày càng được quan tâm nhiều hơn nữa.
1. Chấn thương xương khớp và mô mềm do tai nạn và chơi thể thao
Theo WHO, chấn thương xương khớp là một trong những nguyên nhân chính gây ra các cơn đau kéo dài, gây tàn tật, ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần cho hàng triệu người trên thế giới. Theo thống kê khoảng 100 triệu ca chấn thương xương khớp xảy ra hàng năm trên toàn thế giới, trong đó có 30-50% là các tổn thương gân và dây chằng. Chấn thương xương khớp do nhiều nguyên nhân như: tai nạn giao thông, trong sinh hoạt hàng ngày hay trong quá trình chơi thể thao.
Chấn thương mô mềm cấp tính liên quan đến thể thao là kết quả của các chấn thương đơn lẻ như căng cơ, bong gân hoặc rách dây chằng. Tổn thương mô mềm mãn tính thường là kết quả của quá trình vận động cơ học, ban đầu là những biểu hiện mệt mỏi, căng thẳng. Quá trình này được lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến viêm và dần dần phát triển
2. Phương pháp điều trị
Chấn thương xương khớp không chỉ gây đau đớn cho chính bệnh nhân mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một số phương pháp điều trị như: RICE, vật lý trị liệu, tiêm corticosteroid hay phẫu thuật can thiệp. Theo đó, các phương pháp điều trị đều nhằm mục đích an toàn, hiệu quả để giúp bệnh nhân nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường.
Gần đây, cùng với sự tiến bộ trong y sinh và công nghệ sinh học, các phương pháp điều trị tổn thương xương khớp sử dụng liệu pháp tế bào, công nghệ mô hay ứng dụng các sản phẩm máu tự thân để thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương, tái tạo mô, kích thích sự tăng sinh, di chuyển và biệt hóa của nhiều loại tế bào, trong đó có tế bào tạo xương. Ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) trong điều trị tổn thương cơ xương khớp, đặc biệt là những chấn thương liên quan đến thể thao ngày càng được quan tâm nhiều hơn.
Liệu pháp PRP được ứng dụng trong điều trị tổn thương cơ xương khớp
3. Liệu pháp điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Rất nhiều người băn khoăn thắc mắc không biết liệu pháp PRP phương pháp PRP có tốt không? Thực tế, Huyết tương giàu tiểu cầu (platelet rich plasma – PRP) là sản phẩm máu tự thân có chứa hàm lượng tiểu cầu cao hơn nhiều lần lượng tiểu cầu trong máu ngoại vi. Hạt α trong tiểu cầu chứa một lượng lớn các protein và các nhân tố tăng trưởng quan trọng không những có vai trò đông máu mà còn tham gia vào quá trình chữa lành vết thương, tái tạo mô, tổng hợp collagen.
Quá trình phân tách PRP rất đơn giản nhưng đòi hỏi các thao tác phải được thực hiện trong điều kiện vô trùng cao. Vì PRP được phân tách từ máu tự thân nên nó an toàn, không gây đáp ứng miễn dịch và giảm thiểu tối đa các nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm (HIV, viêm gan B,C). Do đó, liệu pháp PRP đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực y học khác nhau như: thẩm mỹ (trẻ hóa da mặt, cải thiện sắc tố da, điều trị sẹo), nha khoa, phẫu thuật chỉnh hình, sản – phụ khoa. Hiện nay, liệu pháp PRP đang là một trong những liệu pháp hiệu quả trong điều trị tổn thương cơ xương khớp, đặc biệt là các chấn thương nghiêm trọng có liên quan đến thể thao bao gồm:
- Tổn thương cơ
- Tổn thương gân (Viêm gân Achilles, Viêm lồi cầu ngoài khuỷu tay)
- Tổn thương dây chằng
Link bài viết gốc: https://www.vinmec.com/co-xuong-khop/suc-khoe-thuong-thuc/lieu-phap-prp-dieu-tri-ton-thuong-co-xuong-phan-mem-do-tai-nan-va-choi-thao/