|

Ứng dụng huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị bệnh nhân thất bại làm tổ liên tiếp

Bài viết bởi ThS. Nguyễn Đắc Tú, Trưởng nhóm Đánh giá Chất lượng Sản phẩm, Trung tâm Công nghệ cao Vinmec và ThS. Phạm Thị Thanh, Chuyên viên Đánh giá Chất lượng Sản phẩm, Trung tâm Công nghệ cao Vinmec

Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là sản phẩm của máu tự thân chứa hàm lượng lớn các nhân tố tăng trưởng, các cytokine kích thích quá trình tăng sinh, hình thành mạch. Chúng được được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực y học khác nhau. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng kết hợp sử dụng PRP cùng với các phương pháp hỗ trợ sinh sản (IVF, ICSI, ET) có hiệu quả đáng kể trong cải thiện chất lượng của trứng, độ dày và khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung trong điều trị thất bại làm tổ liên tiếp.

Kể từ khi ra đời, kỹ thuật chuyển phôi (ET) phát triển đã giúp tăng tỉ lệ thụ thai và tỉ lệ sinh cho các cặp vợ chồng vô sinh. Tuy nhiên, vẫn có một lượng lớn bệnh nhân được điều trị thất bại và không có khả năng mang thai. Nguyên nhân lớn là do phôi được chuyển làm tổ thất bại trong tử cung, thất bại có thể không liên tiếp hoặc liên tiếp. Trong đó, thất bại làm tổ liên tiếp trong quá trình IVF là tình trạng không có thai sau 2 chu kỳ chuyển phôi liên tiếp (không kể phôi tươi hay phôi trữ lạnh) và với tổng số phôi chuyển chất lượng tốt từ 4 trở lên. Thất bại làm tổ liên tiếp nhiều lần trong IVF đang là một trong những thách thức lớn đối với quá trình hỗ trợ sinh sản.

Quá trình cấy ghép phôi thành công phụ thuộc vào 2 yếu tố quan trọng: phôi khỏe mạnh và khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung. Một số phương pháp được sử dụng để hỗ trợ cho các trường hợp làm tổ thất bại nhiều lần như: chuyển phôi nang, hỗ trợ phôi thoát màng, nội soi buồng tử cung, tạo vết xước ở nội mạc tử cung và liệu pháp miễn dịch. Gần đây, truyền huyết tương giàu tiểu cầu được sử dụng như một liệu pháp có tiềm năng thúc đẩy sự phát triển, tăng độ dày và cải thiện chức năng của nội mạc tử cung làm tăng khả năng làm tổ của phôi.

Quá trình cấy ghép phôi thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau

Huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet-rich plasma – PRP) là sản phẩm của máu tự thân chứa hàm lượng lớn các nhân tố tăng trưởng, các cytokine kích thích quá trình tăng sinh, hình thành mạch. PRP được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực y học khác nhau: chữa lành vết thương, nhãn khoa, chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật, thẩm mỹ, điều trị đau bằng huyết tương giàu tiểu cầu PRP … Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng kết hợp sử dụng PRP cùng với các phương pháp hỗ trợ sinh sản (IVF, ICSI, ET) có hiệu quả đáng kể trong cải thiện chất lượng của trứng, độ dày và khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung trong điều trị thất bại làm tổ liên tiếp.

Năm 2015, báo cáo đầu tiên của Chang và cộng sự [2] về hiệu quả tích cực của PRP cho những bệnh nhân thực hiện thụ tinh nhân tạo IVF nhiều lần nhưng thất bại do nội mạc tử cung mỏng. Những nghiên cứu sau đó cũng chỉ ra rằng PRP thúc đẩy độ dày và khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung, từ đó tăng tỉ lệ thụ thai [3-7]. Một số nghiên cứu gần đây cũng cho kết quả tương tự về hiệu quả PRP trong điều trị nội mạc tử cung mỏng [8, 9]. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng liệu pháp PRP cải thiện quá trình cấy ghép, khả năng thụ thai và tỉ lệ sinh cho những bệnh nhân có nội mạc tử cung mỏng.

Năm 2019, Sfakianoudis và cộng sự [10] đã báo cáo về hiệu quả của PRP trên bệnh nhân nữ 35 tuổi bị suy thoái buồng trứng, nội mạc tử cung mỏng và bị viêm mãn tính (chronic endometritis), nhiều lần thất bại khi thực hiện IVF và đã từng sảy thai. Sau khi truyền PRP vào khoang tử cung, cùng với sự hỗ trợ của IVF, bệnh nhân đã mang thai đôi và sinh con khỏe mạnh.


Với những số liệu thử nghiệm lâm sàng được báo cáo, liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu có thể trở thành một kỹ thuật mang tới nhiều bước đột phá trong y học sinh sản, hỗ trợ điều trị nội mạc tử cung mỏng, buồng trứng thoái hóa và điều trị thất bại làm tổ liên tiếp.

Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu có thể trở thành đột phá trong y học sinh sản

Link bài viết gốc: https://vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/te-bao-goc-cong-nghe-gen/ung-dung-huyet-tuong-giau-tieu-cau-trong-dieu-tri-benh-nhan-bai-lam-lien-tiep/

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *