Cách điều trị thoái hóa khớp bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu
06/12/2022
Cách điều trị thoái hóa khớp bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu đang được áp dụng phổ biến bởi hiệu quả tối ưu mang lại. So với hình thức truyền thống, phương pháp này hạn chế được tối đa các biến chứng và rút ngắn thời gian phục hồi hơn bình thường.
Tổng quan về thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là tổn thương phổ biến, xảy ra khi lớp sụn bảo vệ đệm các đầu xương bị mài mòn theo thời gian. Tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi khớp nhưng thường gặp nhất là khớp ở tay, hông, đầu gối và cột sống. Một số triệu chứng điển hình phải kể đến gồm:
- Đau nhức khớp trong hoặc sau khi vận động.
- Cứng khớp khi thức dậy hoặc sau một khoảng thời gian không vận động.
- Khớp bị mất tính linh hoạt, phạm vi chuyển động bị hạn chế.
- Khớp phát ra tiếng lạo xạo khi vận động.
- Hình thành các mẫu xương thừa xung quanh khớp bị ảnh hưởng.
- Sưng tấy do mô mềm xung quanh khớp bị viêm.
Cách điều trị thoái hóa khớp bằng huyết tương giàu tiểu cầu là gì?
Cách điều trị thoái hóa khớp bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu là liệu pháp tiêm tiểu cầu của chính người bệnh để đẩy nhanh quá trình chữa lành tổn thương trên khớp. Cụ thể, máu là chất lỏng có chứa các thành phần dạng rắn nhỏ (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu), thực hiện từng chức năng riêng biệt. Trong đó, tiểu cầu đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình đông máu, đồng thời chứa hàng trăm protein tham gia vào nhiệm vụ chữa lành vết thương.
Khái niệm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) dùng để chỉ dạng huyết tương có chứa nồng độ tiểu cầu cao gấp 5 – 10 lần so với bình thường. Trong điều trị thoái hóa khớp, thành phần này sẽ được tách ra khỏi các tế bào máu khác và đẩy cao nồng độ thông qua quá trình ly tâm. Sau khi tiêm vào vị trí tổn thương, tiểu cầu sẽ bắt đầu tiến hành nhiệm vụ chữa lành. Tác dụng cụ thể như sau:
- Ức chế phản ứng viêm và làm chậm quá trình thoái hóa khớp.
- Kích thích hình thành sụn mới.
- Tăng sản xuất dịch bôi trơn tự nhiên trong khớp, giảm ma sát khớp, tránh gây đau khi vận động.
- Chứa các protein làm thay đổi cơ quan thụ cảm đau, từ đó làm giảm cảm giác đau đớn cho người bệnh.
Nguyên lý hoạt động của huyết tương giàu tiểu cầu PRP
Nguyên lý hoạt động của huyết tương giàu tiểu cầu PRP hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh được khả năng đẩy nhanh hiệu quả chữa trị của thành phần này.
Theo đó, các yếu tố tăng trưởng trong huyết tương giàu tiểu cầu (IGF, KGF, VEGF…) là các đại phân tử hoà tan và khuếch tán, được tạo ra bởi rất nhiều loại tế bào. Quá trình hoạt động thường tác động đến sự phát triển, biệt hoá và kiểu hình của nhiều tế bào, bao gồm cả tế bào sụn.
Các phân tử này sẽ tương tác với thụ thể của tế bào màng, truyền tín hiệu vào bên trong và tạo ra phản ứng theo tầng, kết thúc bằng việc điều hoà biểu hiện gen. Cơ chế hoạt động phổ biến nhất là paracrine hoặc autocrine, đôi khi là nội tiết. Do đó, tế bào hoặc các tế bào nhận tín hiệu có thể ở gần hoặc xa tế bào đã tổng hợp và giải phóng những yếu tố trên. Với hoạt động của huyết tương giàu tiểu cầu, quá trình tái tạo sụn sẽ đạt được hiệu quả cao bất kể tuổi tác, tình trạng thoái hóa khớp mà không làm hỏng sụn hay màng hoạt dịch.
Lợi ích so với các phương pháp truyền thống khác
So với các phương pháp điều trị truyền thống khác, việc tiêm huyết tương giàu tiểu cầu sở hữu nhiều ưu điểm như sau:
- Mức độ đau: So với giả dược, cách điều trị thoái hóa khớp bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp giảm đau đáng kể ở mỗi lần tái khám.
- Chức năng vật lý: So với các biện pháp kiểm soát, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp cải thiện chức năng vật lý của khớp một cách đáng kể.
- Tác dụng phụ: Liệu pháp điều trị thoái hóa khớp bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vẫn tồn tại một vài rủi ro đi kèm nhưng hầu hết đều không đáng kể hơn tác dụng phụ từ các phương pháp truyền thống khác.
Quy trình thực hiện
Cách điều trị thoái hóa khớp bằng tiêm huyết tương giàu tiểu cầu được tiến hành theo quy trình như sau:
- Bước 1: Bác sĩ tiến hành lấy máu từ tĩnh mạch trên cánh tay người bệnh vào lọ, thường khoảng từ 15 – 50ml.
- Bước 2: Máu được xử lý bằng máy ly tâm.
- Bước 3: Bác sĩ chuẩn bị huyết tương giàu tiểu cầu để tiêm.
- Bước 4: Bác sĩ làm sạch khu vực khớp bị ảnh hưởng bằng chất khử trùng như cồn hoặc i-ốt.
- Bước 5: Nếu phương pháp siêu âm được sử dụng, bác sĩ sẽ bôi một lớp gel đặc biệt lên vùng da gần chỗ tiêm. Sau đó, một đầu dò sẽ được ấn vào vùng da phủ gel, hình ảnh trực tiếp về khớp sẽ chiếu trên màn hình để bác sĩ quan sát.
- Bước 6: Bác sĩ yêu cầu người bệnh thư giãn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêm và giảm cảm giác đau.
- Bước 7: Sau khi chuẩn bị sẵn sàng ống tiêm và kim tiêm, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ huyết tương giàu tiểu cầu (thường chỉ từ 3 – 6ml) vào bao khớp.
- Bước 8: Sau khi tiêm, khu vực tiêm được làm sạch và băng bó.
- Bước 9: Huyết tương giàu tiểu cầu thường kích thích một loạt các phản ứng sinh học nên vị trí tiêm có thể sưng đau trong khoảng 3 ngày.
Đối tượng áp dụng
Các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận chắc chắn về đối tượng cần áp dụng cách điều trị thoái hóa khớp bằng tiêm PRP. Tuy nhiên, nhìn chung, dưới đây là những nhóm thường được ưu tiên:
- Người bệnh trẻ tuổi bị thoái hóa khớp giai đoạn đầu.
- Người bệnh đã thử tất cả các phương pháp điều trị như nghỉ ngơi, vật lý trị liệu… nhưng vẫn không đạt được hiệu quả cải thiện.
- Tình trạng đau nhức xương khớp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày.
- Người bệnh mẫn cảm với thuốc chống viêm (NSAID) hoặc nhận thấy NSAID không đem lại tác dụng giảm đau.
- Liệu pháp tiêm steroid không mang lại hiệu quả hoặc người bệnh không thể tiêm steroid.
Biến chứng
PRP được lấy từ nguồn máu của người bệnh vì vậy tỷ lệ an toàn cao. Tuy nhiên, quá trình tiêm vào khớp có thể tồn tại một số rủi ro sau:
- Nhiễm trùng cục bộ.
- Đau tại chỗ tiêm.
- Tổn thương thần kinh.
- Đau và cứng khớp.
- Nhịp tim nhanh.
- Ngất xỉu và chóng mặt.
- Buồn nôn và đau bụng.
- Đổ mồ hôi.
- Đau đầu
Những rủi ro này thường rất ít khi xảy ra và không đáng kể hơn tác dụng phụ từ các liệu pháp tiêm nội khớp khác. Theo các chuyên gia, đây vẫn là phương pháp điều trị đáng được ưu tiên.
Một số lưu ý khi áp dụng phương pháp
Người bệnh có thể được tiêm một lần duy nhất hay nhiều đợt cách nhau hàng tuần hoặc hàng tháng tuỳ thuộc vào từng loại tổn thương. Với trường hợp tiêm nhiều lần, bác sĩ có thể đề nghị lấy máu trong lần khám đầu tiên và sử dụng PRP tươi cho lần 1, đông lạnh rồi rã đông PRP cho lần dùng tiếp theo. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng nên nắm:
Trước khi tiêm
- Tránh dùng thuốc Corticosteroid trong vòng 2 – 3 tuần trước khi tiến hành tiêm PRP.
- Ngưng dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc điều trị viêm khớp một tuần trước khi tiêm PRP.
- Không dùng thuốc chống đông máu trong 5 ngày trước khi tiêm PRP.
- Uống nhiều nước vào ngày trước khi tiêm.
- Một số người bệnh có thể cần dùng thuốc chống lo âu ngay trước khi tiêm PRP.
Sau khi tiêm
Sau khi tiêm, người bệnh cần nghỉ ngơi trong vài ngày để tránh gây căng thẳng cho khớp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một số yêu cầu sau:
- Không dùng thuốc giảm đau chống viêm khi chưa được bác sĩ kê toa.
- Đeo nẹp hoặc băng đeo để bảo vệ và cố định khớp bị ảnh hưởng.
- Trường hợp tiêm ở mắt cá chân, đầu gối hoặc hông có thể được khuyên sử dụng nạng.
- Chườm lạnh vài lần một ngày, mỗi lần từ 10 – 20 phút để giúp giảm sưng và đau sau khi tiêm.
Link bài viết gốc: https://tamanhhospital.vn/dieu-tri-thoai-hoa-khop-bang-tiem-huyet-tuong-giau-tieu-cau/#:~:text=Kh%C3%A1i%20ni%E1%BB%87m%20huy%E1%BA%BFt%20t%C6%B0%C6%A1ng%20gi%C3%A0u,qua%20qu%C3%A1%20tr%C3%ACnh%20ly%20t%C3%A2m.