Huyết tương giàu tiểu cầu ( PRP)

Trải qua vài thập kỷ, có rất nhiều bài viết về tiềm năng cùng hiệu quả của huyết tương giàu tiểu cầu trong điều trị chấn thương.

Nhiều vận động viên nổi tiếng như tay golf Tiger Woods và ngôi sao quần vợt Rafael Nadal đã được sử dụng PRP trong điều trị các chấn thương ở đầu gối, dây chằn. Những tổn thương cơ thể này hầu hết được điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu hay bằng những ca phẫu thuật. Tuy nhiên kết quả ghi nhận từ những vận động viên được điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu lại có thời gian hồi phục và trở lại thi đấu nhanh hơn hẳn.

Dù PRP đã và đang được ứng dụng rộng rãi, nhưng những thông tin cơ bản về PRP vẫn còn là thắc mắc của nhiều người, như:

Huyết tương giàu tiểu cầu chính xác là gì?

Cơ chế hoạt động của chúng là gì?

Những tình trạng nào sẽ được điều trị bằng PRP?

Điều trị bằng PRP có mang lại hiệu quả?

Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là gì?

Mặc dù phần lớn máu là chất lỏng (huyết tương), nhưng nó cũng chứa những phần tố dạng rắn (như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu). Trong đó thành phần tiểu cầu được biết đến nhiều bởi vai trò quan trọng của nó trong quá trình đông máu. Nhưng vai trò của tiểu cầu không chỉ có thế, chúng chứa rất nhiều protein gọi là yếu tố tăng trưởng (Growth factor) đóng vai trò thiết yếu trong quá trình chữa lành vết thương.

PRP chính là huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao hơn nhiều so với máu thông thường. Càng nhiều tiểu cầu, đồng nghĩa với việc nhiều yếu tố tăng trưởng, và lượng tiểu cầu thông thường sẽ nhiều gấp từ 5-10 lần.

Quy trình để tạo huyết tương giàu tiểu cầu bắt đầu bằng công đoạn thu nhận máu từ bệnh nhân. Sau đó tiểu cầu sẽ được phân tách với các thành phần khác của máu bằng phương pháp ly tâm và cuối cùng phần huyết tương chứa đậm đặc tiểu cầu sẽ được tiêm trực tiếp vào vị trí vết thương.

Cơ chế hoạt động của PRP là gì?

Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc gia tăng nồng độ yếu tố tăng trưởng có trong PRP giúp tăng tốc độ hồi phục vết thương.

Để đẩy nhanh quá trình hồi phục vết thương bằng PRP, có hai cách thường được sử dụng:

  • Tiêm PRP một cách cẩn thận vào vùng bị tổn thương. Ví dụ đối với bệnh viêm gân gót chân Achilles, đây là tình trạng phổ biến ở các người chơi quần vợt và chạy bộ, mô liên kết ở gót chân có thể sưng, viêm và đau. Hỗn hợp PRP và thuốc tê có thể được tiêm trực tiếp vào vùng mô tổn thương này. Sau đó, cơn đau tại khu vực được tiêm có thể tăng trong một hoặc hai tuần đầu và vì vậy, có thể mất một vài tuần trước khi bệnh nhân cảm thấy tác dụng của phương pháp.
  • Cải thiện khả năng hồi phục vết thương sau một số ca phẫu thuật. Ví dụ một vận động viên bị đứt dây gót chân phải tiến hành phẫu thuật. Khi đó, quá trình hồi phục của bệnh nhân hoàn toàn có thể được rút ngắn bằng sự hỗ trợ của PRP. PRP sẽ được chuẩn bị theo một phương pháp đặc biệt cho phép nó đẩy mạnh quá trình hồi phục của phần mô bị rách.

Những tình trạng nào sẽ được điều trị bằng PRP?

Có nhiều nghiên cứu đã và đang được tiến hành để đánh giá sâu hơn về hiệu quả điều trị bằng PRP. Gần đây một trong những nghiên cứu đó đã chỉ ra rằng PRP đã chứng tỏ thực sự mang lại hiệu quả đáng kể, cụ thể trong trường hợp bị thoái hóa khớp gối mức độ nhẹ đến trung bình. Trong quá trình điều trị bằng PRP, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bao gồm:

  • Vùng cơ thể được điều trị
  • Sức khỏe của bệnh nhân
  • Chấn thương gặp phải là cấp tính hay mãn tính
  • Quy trình chuẩn bị PRP

Chấn thương gân mãn tính

Theo các nghiên cứu được báo cáo hiện nay, PRP có hiệu quả trong điều trị chấn thương gân mãn tính, đặc biệt là chấn thương ở khủyu tay khi chơi quần vợt, một trong những chấn thương phổ biến của gân ngoài khuỷu tay.

Việc sử dụng PRP cho các chấn thương gây mãn tính khác – chẳng hạn như viêm gân gót chân Achilles mãn tính hoặc viêm gân bánh chè ở đầu gối cũng mang lại nhiều kết quả hứa hẹn. Tuy nhiên, tại thời điểm này rất khó để nói liệu pháp PRP có hiệu quả hơn các phương pháp truyền thống với những vấn đề tổn thương này hay không.

Tiêm PRP được sử dụng để điều trị chấn thương khuỷu tay trong quần vợt.

Theo Allan K. Mishra, MD, Menlo Park, CA.

Chấn thương dây chằng và cơ cấp tính

Liệu pháp PRP đã được công nhận và sử dụng trong điều trị chấn thương thể thao cấp tính, như chấn thương dây chằn, chấn thương cơ. Ngoài ra PRP còn được sử dụng để điều trị trong chấn thương ở các vận động viên chuyên nghiệp, chẳng hạn như bong gân đầu gối, chấn thương cơ đùi sau.

Phẫu thuật

Thời gian gần đây, PRP đã được ứng dụng như một phương pháp giúp mô hồi phục sau phẫu thuật. PRP được cho là có hỗ trợ trong phẫu thuật vai để chữa lành các tình trạng rách cơ chóp xoay vai. Tuy nhiên, kết quả cho đến nay cho thấy rất ít hoặc không có lợi ích gì trong quy trình phẫu thuật này. Ngoài ra, gần đây PRP còn được tập trung nghiên cứu trong việc chữa lành sụn chêm sau sửa chữa, tuy nhiên các nghiên cứu này chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu.

Phẫu thuật để sửa chữa dây chằn đầu gối bị rách, đặc biệt ở dây chằn chéo trước là một lĩnh vực khác mà PRP đã được áp dụng. Tại thời điểm này, dường như có rất ít hoặc không có hiệu quả từ việc sử dụng PRP trong trường hợp này.

Viêm khớp gối

Ngày càng có nhiều tài liệu cho thấy hiệu quả của PRP có lượng bạch cầu thấp trong điều trị thoái hóa khớp gối ở mức độ thấp đến trung bình. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu quả có thể kéo dài đến 2 năm.

Được dịch từ bài viết gốc: https://orthoinfo.aaos.org/en/treatment/platelet-rich-plasma-prp/

Similar Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *